- July 8, 2021
- Posted by: admin
- Category: TIN TỨC
Mỗi sáng các bệnh viện (BV) chật ních người đến xếp hàng lấy số khám chữa bệnh.
Những hành lang đầy cứng người, trong những người vạ vật chờ gọi tên đến lượt khám và lấy thuốc, có người đến từ lúc trời chưa sáng, đặt cuốn sổ khám bệnh để giữ chỗ, rồi kịp về trong ngày. Hình ảnh này đã lùi vào dĩ vãng khi các BV mạnh mẽ đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khám chữa bệnh và chẩn bệnh từ xa.
Rút ngắn thời gian chờ đợi
Từ năm 2014, BVĐK tỉnh Phú Thọ là bệnh viện tuyến tỉnh đã mạnh dạn ứng dựng thẻ từ thông tin trong khám chữa bệnh, đến nay đã cấp được 10.240 thẻ. Người bệnh chỉ cần đưa thẻ từ thông minh vào vị trí máy đăng ký khám tự động tại khu vực làm thủ tục nhập viện của BV. Sau vài thao tác, người bệnh có các thông tin về số phòng khám, số thứ tự hiển thị trên màn hình. Tại Nghệ An, mô hình này được áp dụng tại BVĐK TP. Vinh, BV Hữu nghị đa khoa. TP.HCM có BV Nhân dân Gia Định, BV quận 2, BV quận Thủ Đức, BV huyện Củ Chi… đều ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, lập các bệnh án điện tử cho người bệnh…
Kết quả của các ứng dụng này đem lại sự nhanh, gọn và chính xác trong quá trình khám bệnh, giúp rất nhiều cho việc chẩn đoán và điều trị đúng bệnh. Công nghệ thông tin còn giúp các BV kết nối thực hiện nhiều buổi hội chẩn chuyên khoa, hội chẩn qua mạng cứu sống nhiều bệnh nhân với nhiều biến chứng bệnh phức tạp. Đó cũng là một trong những tiêu chí của BV thông minh đang được các BV hướng tới.
Ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong khám chữa bệnh và điều trị là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay. Cái lợi là rất rõ ràng: Lợi cho người bệnh, cơ quan y tế và cơ quan quản lý nhà nước. Lợi về thời gian, tiền bạc, nhân lực, vật lực, chưa kể được cái lợi về sự hài lòng, tinh thần thoải mái của người bệnh khi đến các BV và ra về trong sự vui vẻ…
ThS.BSCKII. Nguyễn Hồng Trường, Giám đốc BVĐK TP. Vinh chia sẻ: Thẻ khám chữa bệnh thông minh là một trong rất nhiều tiêu chí mà BVĐK TP. Vinh đã và đang triển khai xây dựng mô hình “Bệnh viện thông minh”. Mỗi ngày, trung bình bệnh viện tiếp nhận hơn 2.000 lượt khám nhưng nhờ ứng dụng kiosk tiếp nhận thông minh nên đã rút ngắn tối đa quy trình tiếp nhận, giảm thời gian chờ đợi từ 20 phút xuống 1 phút; người có thẻ bảo hiểm y tế thì đăng ký lấy số thứ tự vào quầy tiếp nhận. Hơn thế nữa, các y sĩ, bác sĩ chỉ cần đăng nhập bệnh án điện tử là tra cứu được tiền sử, quá trình chữa bệnh của người bệnh cũng như những xét nghiệm hiện tại giúp quá trình khám, chữa bệnh hiệu quả hơn.
Người bệnh sử dụng thẻ khám chữa bệnh thông minh tự check-in vào phòng khám, người có thẻ BHYT tự check-in lấy số thứ tự vào quầy tiếp nhận bảo đảm nhanh chóng, chính xác, hạn chế đi lại, giảm thời gian chờ đợi từ 20 phút xuống còn 1 phút. Người bệnh có thẻ khám bệnh thông minh còn có thể sử dụng để thanh toán online, tra cứu lịch sử khám chữa bệnh.
Tháng 6/2015, BV Quận Thủ Đức, TP.HCM đã áp dụng mô hình “Khoa khám bệnh thông minh” bằng cách triển khai hệ thống lấy số thứ tự tự động trung tâm kết nối với phần mềm quản lý tổng thể của BV đồng thời bố trí màn hình hiển thị số thứ tự chờ khám tại vị trí các phòng khám, xét nghiệm, Xquang, siêu âm, nhận thuốc. Khi đến khám và điều trị bệnh, người dân không còn cảnh chờ đợi mệt mỏi, lo lắng không biết khi nào đến lượt bởi các hoạt động khám và điều trị bệnh của bệnh viện được tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, qua đó rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi, quản lý phân bổ một cách có hệ thống hợp lý và tự động, đồng thời công khai minh bạch rõ ràng toàn bộ quá trình khám và điều trị bệnh từ lúc người dân đăng ký, khám bệnh, làm xét nghiệm, đóng viện phí đến khi cấp phát thuốc ra về.
Ứng dụng Thẻ từ thông minh tại Khoa Khám bệnh BVĐK tỉnh Phú Thọ rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh.
Xa xôi là chuyện nhỏ!
Ngành y tế Quảng Ninh là địa phương đã mạnh dạn tiên phong triển khai mạng lưới y tế từ xa cấp tỉnh tại 18 điểm cầu và 10 phòng mổ ở các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh với mục tiêu đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu đến với các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa; tăng cường kết nối từ xa giữa bệnh nhân và các bác sĩ; đồng thời, đào tạo cho đội ngũ y, bác sĩ ngày càng phát triển hơn.
Từ năm 2012, Sở Y tế đã xây dựng đề án “Ứng dựng tiến bộ KHCN vào công tác hội chẩn, tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (dự án Telemedicine) được Hội đồng khoa học kỹ thuật tỉnh thẩm định và UBND tỉnh phê duyệt. Trong quá trình thực hiện dự án, Sở Y tế đã chủ động đầu tư xây dựng hội nghị từ xa tại 18 điểm cầu tại các đơn vị y tế trực thuộc. Các thông tin chỉ đạo được phổ biến rộng rãi đến nhiều cán bộ trong các đơn vị, tiết kiệm được từ 3-4 giờ/mỗi cán bộ do không phải di chuyển từ nơi công tác tới nơi họp; giảm được 70-80% chi phí cho việc tổ chức các cuộc họp, hội nghị, đi lại.
Quảng Ninh đã hoàn thành hệ thống Telemedicine thuộc dự án tại 10 phòng mổ (tại 4 bệnh viện và 6 trung tâm y tế có giường bệnh, trong đó có Trung tâm Y tế huyện Cô Tô, huyện đảo duy nhất cách xa đất liền của tỉnh), đưa mức độ ứng dụng KHCN trong khám chữa bệnh từ xa của Quảng Ninh lên cấp độ mới (từ hỗ trợ khám chữa bệnh từ xã sang tư vấn mổ từ xa).
Trong bối cảnh điều kiện thiết bị cũng như nguồn nhân lực chuyên môn y tế tại Quảng Ninh đa phần còn hạn chế, đặc biệt tại các vùng biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…, thông qua hệ thống Telemedicine này, Sở Y tế tỉnh có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn và theo dõi sức khỏe từ xa cho các bệnh nhân ở cách đó hàng trăm cây số; nâng cao chất lượng của công tác đào tạo và tăng cường hiệu quả hợp tác giữa y, bác sĩ ở các bệnh viện và cơ sở y tế khác nhau… Đặc biệt, mạng lưới y tế từ xa sẽ giúp chuyển tải nhanh hình ảnh từ các ca mổ đến các phòng hội chẩn với sự tham gia của nhiều chuyên gia và bác sĩ tại nhiều bệnh viện.
Nhiều người bệnh tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, hải đảo được cứu sống nhờ sự hỗ trợ kịp thời thông qua hệ thống Telemedicine. Kết quả đó khẳng định tính đúng đắn, hiệu quả mà dự án mang lại. Bên cạnh đó, việc không phải chuyển tuyến đã giúp tiết kiệm chi phí đi lại, chi phí ăn, ở tại các thành phố, đô thị cho bệnh nhân và gia đình. Hơn nữa, còn góp phần giải quyết tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên do có nhiều ca bệnh hoặc tình huống cấp cứu có thể điều trị tại bệnh viện nơi mình sinh sống mà không phải chuyển viện lên tuyến tỉnh, tuyến trung ương.
Hoạt động cấp cứu điều trị bệnh nhân có thể được phát huy hiệu quả khi mối liên kết giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới được gắn bó chặt chẽ nhờ việc ứng dụng hội chẩn từ xa. Hội chẩn từ xa giúp thầy thuốc cũng như người bệnh có cơ hội quý… Chỉ cần một màn hình máy tính và thiết bị đầu cuối trên nền tảng mạng internet có sẵn, cán bộ y tế trạm y tế xã, phường có thể kết nối với tuyến trên để tiếp nhận kiến thức y tế một cách nhanh chóng, kịp thời, tiện lợi bất cứ lúc nào mà không cần phải di chuyển lên tuyến trên. Bên cạnh đó, các bác sĩ bệnh viện tuyến trên có thể tham gia hội chẩn, chẩn đoán, hướng dẫn điều trị từ xa các ca bệnh tại trạm y tế, không cần chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Tại một số bệnh viện quận, huyện và trạm y tế trên địa bàn TP.HCM, nhiều ca bệnh khó, nặng, nguy cấp được điều trị, cấp cứu kịp thời nhờ kết nối với các bác sĩ tuyến trên qua phần mềm hội chẩn trực tuyến từ xa. BS. Lâm Phước Trí, Trưởng trạm Y tế phường Tân Quý, Tân Phú, TP.HCM nói: Với những ca bệnh khó, vượt khả năng thì chúng tôi sẽ liên lạc với các bác sĩ tại các bệnh viện theo sự phân công của Sở Y tế TP. Sau đó, chúng tôi cùng nhau hội chẩn và đưa ra hướng điều trị tiếp theo tốt nhất cho bệnh nhân. Với sự chung tay này, tôi tin rằng lòng tin của người dân về trạm y tế sẽ ngày một cao hơn.
Tháng 5/2019, BVĐK TP. Vinh cũng đã chính thức đưa vào sử dụng phòng khám giáo sư và chương trình hội chẩn, tham vấn chuyên gia trực tuyến. Với phòng khám này, người bệnh có thể thăm khám, trò chuyện trực tiếp với các giáo sư đầu ngành Nội Tổng hợp; Nội Tim mạch; Cơ xương khớp; Tiêu hóa; Thận; Tai mũi họng mà không phải ra Hà Nội. Các hình ảnh về xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng… đều được truyền trực tiếp để chuyên gia trực tiếp thăm khám
Dù vẫn còn những bất cập và những điều chưa hài lòng từ phía bệnh nhân về thái độ ứng xử của một số nhân viên y tế, song không thể phủ nhận những nỗ lực của toàn ngành y tế trong những năm gần đây. Bằng chứng là mới đây, Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát sự hài lòng của người bệnh tại các bệnh viện trên phạm vi cả nước. Công trình khảo sát ý kiến của gần 7.600 người bệnh tại 60 bệnh viện trên toàn quốc kết quả cho thấy có gần 81% người bệnh hài lòng khi đến bệnh viện
Những nỗ lực cải cách của ngành, từ những chuyện tưởng “nhỏ mà không nhỏ” như nhà vệ sinh BV đến những việc không thể không làm như giảm tải BV, nâng chất lượng khám chữa bệnh cho người dân; cùng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý và chuyên môn của ngành, bên cạnh nâng cao chất lượng đội ngũ… đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.
(Theo Suckhoedoisong.vn)